HAUTE COUTURE – CHUẨN MỰC CAO NHẤT CỦA THẾ GIỚI THỜI TRANG

Thời trang xa xỉ được biết đến với những sản phẩm cao cấp, đắt đỏ chỉ dành riêng cho hai hoặc ba phần trăm dân số, là những người siêu giàu. Và có một dòng thời trang xa xỉ mà không phải có tiền là sẽ sở hữu được, thậm chí chúng còn được tôn vinh là chuẩn mực cao nhất của thế giới hào nhoáng này – Đó chính là Haute Couture.   

Chuẩn mực của sự xa xỉ và những con số không tưởng

Haute Couture là một từ tiếng Pháp, nơi được gọi là kinh hoa thời trang. Trong đó, “Haute” chính là sang trọng, thời thượng, và “Couture” lại là từ để chỉ nghệ thuật may đo thủ công. Như thế, chúng ta có thể hiểu “Haute Couture” là thuật ngữ để mô tả những thứ cao cấp nhất của thời trang. Nơi mọi trang phục đều được may đo hoàn toàn bằng tay, và chỉ dành riêng cho khách hàng đặt chúng mà thôi. Vì thế, Haute Couture là sân chơi của giới quý tộc ngày xưa hay hai phần trăm dân số là giới siêu giàu ngày nay.

Thuật ngữ haute couture ban đầu dùng để miêu tả các kiệt tác của Charles Frederick Worth, được sản xuất tại Paris vào giữa thế kỷ XIX. Và Worth đặc biệt cho phép khách hàng của mình lựa chọn màu sắc, loại vải và các chi tiết khác trước khi bắt đầu quá trình thiết kế của mình. Đây là điều tiền vô khoáng hậu vào thời điểm đó. Ở Pháp, thuật ngữ này được pháp luật bảo vệ và được định nghĩa bởi Chambre de commerce et d’industrie de Paris có trụ sở tại Paris. Tên của tổ chức này mang ý nghĩa “ủy ban điều tiết xác định nhà thời trang nào đủ điều kiện để trở thành nhà thời trang cao cấp thực sự”.

Ralph&Russo là nhà mốt Anh Quốc đầu tiên trong lịch sử hơn 163 năm thành lập The Fédération de la Haute Couture et de la Mode mời trình diễn tại Paris Couture Fashion Week.

Chính vì tiêu chuẩn cao cấp khắc khe của mình, mà những thương hiệu có trụ sở tại Paris được công nhận là Haute Couture đều là các tên xuất sắc nhất. Chúng ta có thể liệt kê ra những thương hiệu gây điên đảo giới mộ điệu qua năm tháng như: Adeline André; Alexandre Vauthier; Alexis Mabille; Bouchra Jarrar; Chanel; Christian Dior; Franck Sorbier; Giambattista Valli; Givenchy; Jean Paul Gaultier; Julien Fournié; Maison Margiela; Maison Rabih Kayrouz; Maurizio Galante; Schiaparelli và Stéphane Rolland. Tuy nhiên, Jean Paul Gaultier đã nghỉ hưu từ mùa Haute Couture Xuân 2020.

Đây chính là cách Pierpaolo Piccioli đưa Valentino trở lại vị trí dẫn đầu trong thế giới thời trang Haute Couture.

Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua dàn thành viên nước ngoài xịn xò luôn được mời tham dự tuần lễ Haute Counture: Azzedine Alaïa, Elie Saab, Giorgio Armani, Fendi, Valentino, Viktor & Rolf, Ralph&Russo, Iris Van Herpen, Versace… Tất cả đều là những nhà mốt ưu tú đáp ứng các tiêu chí khắt khe được đề ra và giữ vững sự độc đáo có một không hai của couture. 

Cùng FW điểm qua những điều thú vị của Haute couture bằng những con số ấn tượng, đầu tiên là 1858. Năm 1858, nhà thiết kế Charles Frederick Worth mở cửa hàng đầu tiên tại số 7, Rue de la Paix ở Paris. Ông được các nhà sử học thời trang xem là cha đẻ của ngành thời trang haute couture. Cũng được mệnh danh là nhà couturier đầu tiên.

1868: Hiệp hội thời trang cao cấp Pháp (the Fédération de la Haute Couture et de la Mode) ra đời. Mục đích của hiệp hội là nâng đỡ và quảng bá ngành thời trang Pháp. Công cụ tối ưu của hiệp hội là các tuần lễ thời trang nam và nữ tại Paris. Ngoài ra, hiệp hội sẽ xem xét chất lượng của các nhà thiết kế và thương hiệu tham dự. Nếu đủ tầm, họ sẽ được đề bạt để show các thiết kế tại Tuần lễ thời trang Haute Couture.

Đây là cách Dior tạo nên BST Haute Couture SS2020.

150: Đây là số tiếng đồng hồ trung bình để hoàn thiện một bộ trang phục đơn giản đạt chuẩn haute couture. Đây mới chỉ gồm công thiết kế và may vá, chưa kèm công đoạn đính kết hay thêu tay.

1000: Những bộ cánh có chi tiết thêu, bện, đính kết cầu kỳ cần trung bình 1000 tiếng đồng hồ để hoàn thiện. Ví dụ như mẫu đầm 38 trong BST Chanel Haute Couture Thu Đông 2018 dưới thời Karl Lagerfeld.

Cận cảnh 2 chiếc váy cưới từng làm thế giới đảo điên mà Dior dành riêng cho Chiara.

1600: Số tiếng đồng hồ mà atelier Dior cần để hoàn thiện chiếc đầm cưới haute couture của “Fashionista quyền lực nhất hành tinh” Chiara Ferragni. Đây là mẫu thiết kế custom mà giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri đã dành tặng cho ngôi sao người Ý. Các nghệ nhân nhà Dior phải mất hơn 400 mét vải và 1.600 giờ để hoàn thành những chiếc váy cưới xa hoa này cho Chiarra Ferragni

Từ 9000 đến 1,000,000 Euro và hơn thế nữa là số tiền trung bình cho một bộ cánh haute couture. Trang phục càng đính kết cầu kỳ thì giá trị cũng càng cao. Tuy nhiên, khác với dòng thời ready-to-wear, thời trang may đo không có một giá trị sẵn. Mức giá phụ thuộc vào công phu được bỏ ra để hoàn thiện bộ cánh, cũng như lượng vải vóc cần thiết để hoàn thiện trang phục. 

Những sự khiêu khích bên ngoài biên giới Paris
Sau gần hai thế kỷ thống trị, giờ đây sân chơi của các thương hiệu thủ công đã không còn chỉ nằm vỏn vẹn trong biên giới Paris hay nước Pháp. Rất nhiều atelier danh tiếng bên ngoài biên giới kinh đô ánh sáng đang dần tạo tiếng vang không tưởng.

Alta Mode và giấc mơ phù hoa đậm chất Ý của Dolce&Gabbana.

Đầu tiên phải nhắc đến tên tuổi lừng lẫy nước Ý, Dolce&Gabbana với dòng thời trang thủ công tinh xảo Alta Mode của mình. Dù chưa một lần được mời tham dự Haute Couture Fashion Week nhưng mỗi khi sự kiện hằng năm này vừa kết thúc cũng là lúc những show diễn hoành tráng của hai tên tuổi đình đám này bắt đầu. Những show diễn Alta Mode không chỉ là sự “dằn mặt” nhẹ đến Hiệp hội thời trang cao cấp Pháp mà còn là sự tự tôn dân tộc của Dolce&Gabbana, phô diễn cho thế giới biết nghệ thuật thủ công của người Ý cũng không thua kém bất cứ quốc gia nào. 

NTK Huyền Thoại Oscar de la Renta và những sáng tạo từ atelier của mình.

Đó là sự ngạo nghễ của người Ý, ở bên kia bán cầu, Oscar de la Renta cũng đại diện cho tiếng nói của thời trang Mỹ. Vốn được biết đến như một thương hiệu ready-to-wear và chưa một lần được The Fédération de la Haute Couture et de la Mode ngỏ lời mời. Thế những các thiết kế từ atelier dành cho vị khách quý như các Đệ Nhất Phu Nhân hay các minh tinh Hollywood vẫn luôn xuất sắc và không hề thua kém một tên tuổi Haute Couture nào!

Mỹ nhân đẹp nhất mọi thời đại Aishwarya Rai đã làm cho bộ váy của Micheal Cinco rạng danh toàn cầu.


Sự tinh tế trong các thiết kế của AZZI & OSTA.

Sau thành công vang dội của Elie Saab rồi đến Zuhair Murad, Georges Hobeika trên thị trường quốc tế đã mở đầu trào lưu cho các thương hiệu đến từ khu vực Trung Đông. Những cái tên như Rami Kadi, Micheal Cinco, AZZI & OSTA, Krikor Jabotian, Georges Chakra… Đang là đại diện cho thế hệ couture mới của khu vực này với những thiết kế thủ công bằng tay tinh xảo được yêu thích bởi giới siêu giàu và các minh tinh nổi tiếng Châu Á, Hollywood dù họ chưa một lần nhận được cái gật đầu từ Hiệp hội thời trang cao cấp Pháp.

Cho thấy sức hút của Haute Couture suốt bao nhiêu năm qua vẫn không hề giảm sút, nó vẫn ở đó là thướt đo, là chuẩn mực cao quý nhất của thế giới thời trang. Ở thế kỷ 21 này, việc được công nhận để trở thành một nhà mốt Haute Couture đã không còn quá quan trọng nữa. Mà cái cốt lõi của Haute Couture là nghệ thuật may đo thủ công hoàn toàn bằng tay luôn có sức hút mãnh liệt nhất đối với các tín đồ thời trang. Cho dù thời đại 5.0 có thể “số hóa” tất cả mọi thứ, nhưng nghệ thuật may đo thủ công cao cấp vẫn mãi trường tồn theo năm tháng.

Đạt Tiến

Ảnh: Getty, Vogue, Bazaar...
 

Ngày đăng: 28-06-2021
Đăng bởi: fashionistasworld
Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: