Nước Mỹ luôn tự hào với những tượng đài thời trang kinh điển như Audrey Hepburn trong Roman Holiday (1953), Breakfast at Tiffany’s (1961) hay Sarah Jessica Parker trong series Sex and the city… Thì hôm nay chúng ta đã có Cô Ba Sài Gòn.
Poster cũng rất chỉn chu và độc đáo.
Tuy còn nhiều thiếu sót về mặt kịch bản, khả năng diễn xuất của một số diễn viên nhưng Cô Ba Sài Gòn là một bước tiến lớn và sẽ là tác phẩm tiên phong cho trào lưu phim thời trang ở Việt Nam. Tôi vốn là một người không thích bình luận nhiều về các tác phẩm vô hồn, thiếu chiều sâu, không có cải tiến và đi theo lối mòn cũ kỹ nhưng với Cô Ba Sài Gòn là một ngoại lệ. Tuy câu chuyện không có quá nhiều tình tiết cao trào, kịch tính của phim hành động, hay trường đoạn dằn xé nội tâm dữ dội của những phim drama thông thường, nhưng tôi gọi nó là sự tiên phong cho cái mới.
Nhan sắc nhiều thế hệ cùng quy tụ trong Cô Ba Sài Gòn.
Cái mới ở đây chính là tư duy mới, tư duy biết nhìn nhận, trân trọng cái cũ và tôn vinh chúng theo cách làm rất hiện đại. Tư duy mới ở đây còn thể hiện ở sự liều lĩnh trong khoảng đầu tư, một bộ phim như thế này sẽ rất khó ăn khách trong thị trường phim ảnh vốn còn nhiều tạp nham và chưa hề có định hình rõ ràng như ở Việt Nam hiện nay.
Vậy mà lần đầu tiên nhà sản xuất đã dám chi tiêu hơn 200 phục trang khác nhau cho các nhân vật chính. Tuy cảnh vật ở thời kỳ thập niên 60 vẫn còn rất nghèo nàn và chủ yếu chỉ dựng cảnh bên trong và an gian không gian bên ngoài bằng những thước phim tài liệu ngày trước. Nhưng sự chỉn chu của nhà may Thanh Nữ hay các phòng trà, quán bar… mang hơi hướng thập niên 60 khiến khán giả rất dễ chịu và hoài niệm.
Khi đang ngồi viết bài này là tôi đã bước ra khỏi rạp hơn 7 tiếng đồng hồ và đang ngồi hồi tưởng lại từng cảm xúc một khi nảy, tôi vẫn chưa thể đẩy ra khỏi đầu mình một chi tiết mà tôi cho là đắt giá nhất trong phim. Đó là cảnh Như Ý (Lan Ngọc đóng) hoảng loạn khi biết mình đã bị đưa đến một thế giới cách đó 48 năm, mọi thứ trước mắt đều lạ lẫm, con người cũng lạ lẫm, xe cộ cũng lạ lẫm, những tòa nhà càng lạ lẫm hơn rất nhiều. Và tiếng hét thất thanh của cô giữa làn xe đông đúc, chật hẹp kia như một lời oai oán, Sài Gòn trước kia của chúng ta đâu rồi? Sài Gòn của những phụ nữ thanh lịch, sang trọng và cực kỳ sành điệu? Sài Gòn của những con phố rộng rãi, an ninh và sạch sẽ? Sài Gòn mà người ta hay gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông đâu mất rồi? Tôi biết không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều khán giả có tình yêu đặc biệt với thành phố này đều sẽ ấn tượng với chi tiết đó.
Diễn xuất của NSND Hồng Vân và Ninh Dương Lan Ngọc là điểm hấp dẫn của bộ phim.
Một điều nữa khiến một đứa như tôi cực kỳ ưng ý, đó là thông điệp nữ quyền mạnh mẽ trong phim. Có thể nói Cô Ba Sài Gòn là tác phẩm quy tụ nhiều thế hệ mỹ nhân nhất từ trước đến nay, từ những nhan sắc đình đám một thời như: Diễm My, Thủy Hương, Kim Thư, NSND Hồng Vân đến những cái tên đã và đang tỏa sáng hiện nay Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X, Hà Anh… Và tất cả những mỹ nhân trong phim đều là những phụ nữ tài sắc, bản lĩnh và chẳng cần đến đàn ông mà đều tự tay họ có thể làm nên chuyện lớn. Thậm chí chàng trai duy nhất là nhân vật Tuấn (S.T 365 thủ vai) lại là một chàng trai lông bông và để chị gái chu cấp chi tiêu hằng ngày.
Có lẽ khen hơi bị nhiều sẽ khiến các bạn nói tôi quá tâng bốc, nhưng đó là thật sự những gì tôi cảm nhận được từ bộ phim. Ngoài ra cũng sẽ có những chi tiết không như ý muốn, đó là việc đặt S.T và Ninh Dương Lan Ngọc đứng cạnh một gương mặt lão làng như NSND Hồng Vân. Khiến diễn xuất của họ đôi lúc bị đuối sức và mờ nhạt. Hay một số chi tiết khi nhồi nhét quá nhiều những kiến thức thời trang vào một cảnh quay sẽ khiến khán giả bị ngộp. Có thể những người đam mê thời trang như tôi sẽ cảm thấy rất thích thú và đã, vậy còn những khán giả khác, họ đang tự hỏi “không biết mình đang nghe những thứ gì vậy?”.
2 hình ảnh đối lập giữa cổ kính và hiện đại trong phim.
Nhưng mà như tôi đã nói lúc đầu, phim thời trang thì bắt buộc phải như vậy thôi. Có một điều là phải tinh ý lắm, khán giả mới quan sát được ở Cô Ba Sài Gòn là dù ở thời cổ hay hiện đại thì bộ phim đều tôn vinh được thời trang Việt Nam. Từ những bộ áo dài truyền thống đến những bộ trang phục hiện đại đều thể hiện được tiếng nói của các nhà mốt Việt.
Nói quá nhiều cũng sẽ khiến khán giả thêm tò mò, thôi thì mình hãy tự ra rạp kiểm chứng và cảm nhận đi nha quý vị. Chứ với riêng tôi, tôi sẽ đi coi Cô Ba thêm 1, 2 lần nữa coi như ủng hộ chị Vân vậy!!! Cám ơn chị với những sự tiên phong và liều lĩnh trong sự tâm huyết của chính mình, cám ơn một cột mốc đáng nhớ với “Bộ phim thời trang đúng nghĩa đầu tiên của Việt Nam”.
Đạt Tiến
Ảnh: Sưu tầm