Hơn một thế kỷ theo đuổi triết lý “biến những điều tốt nhất trở nên tốt hơn”, Rolls Royce đã vượt qua nhiều thăng trầm và trở thành tiêu chuẩn cao nhất trong thế giới siêu xe sang chảnh.
Trải qua hơn 117 năm phát triển, sự sang trọng và đẳng cấp của Rolls-Royce đã được bảo chứng qua thời gian. Thứ nghệ thuật "may đo" trên xe siêu sang tưởng chừng đã thất truyền vẫn được nuôi dưỡng bởi những tên tuổi trung thành nhất chính là Rolls-Royce.
Cuộc gặp gỡ làm thay đổi cả thế giới của Rolls và Royce
Câu chuyện của Rolls-Royce bắt đầu từ một doanh nghiệp về điện và cơ khí được thành lập bởi Henry Royce vào năm 1884. Với vốn kinh nghiệm dày dặn cùng niềm đam mê mãnh liệt, ông đã tự chế tạo ra chiếc xe đầu tiên mang tên Royce 10 vào năm 1904. Trong khoảng thời gian đó, Henry Royce đã gặp gỡ Charles Rolls – ông chủ của một cửa hàng kinh doanh xe ô tô ở London. Hai người đàn ông đã rất ấn tượng với những ý tưởng của nhau về một công ty sản xuất ô tô và hình thành thỏa thuận kinh doanh ngay sau đó.
Năm 1906, Charles Rolls và Henry Royce đã chính thức hoá quan hệ hợp tác và tạo nên công ty xe hơi với cái tên khởi thuỷ Rolls-Royce Limited. Cũng giống nhiều nhà sản xuất khác, Charles Rolls đẩy những chiếc Rolls-Royce đầu tiên vào đường đua nhằm mục đích quảng bá. Những chiếc xe này khá giống với Royce 10 và không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, một bước ngoặt lớn đã “rẽ lối” Rolls-Royce vào năm 1907 khi động cơ 6 xi-lanh xuất hiện bên trong thân xe 4 chỗ màu bạc mang tên “The Silver Ghost”.
Có lẽ Henry Royce không đặt quá nhiều tham vọng tạo để tạo nên một chiếc xe “tốt nhất thế giới” khi thiết kế Silver Ghost. Điều mà ông mong muốn là thay thế loại động cơ cũ bằng thứ gì đó đảm bảo, uyển chuyển và ít ầm ĩ hơn. Thế nhưng, với công năng và thiết kế tuyệt vời của mình, The Silver Ghost đã giúp Rolls-Royce ghi danh trên bản đồ xe hơi thế giới.
Con đường trở thành chuẩn mực của sự xa xỉ
Bi kịch ập đến với công ty từ rất sớm khi người đồng sáng lập Charles Rolls qua đời trong một vụ tai nạn máy bay vào năm 1910. Charles Rolls không được chứng kiến chặng đường đầy vinh quang sau đó của Silver Ghost cũng như hãng xe ông góp công xây dựng.
Năm 1921, Rolls-Royce đã mở nhà máy đầu tiên tại Mỹ do nhu cầu gia tăng sau Đệ Nhất Thế Chiến. Bối cảnh nền kinh tế lúc đó đang trên đà phát triển và bước vào “kỷ nguyên Jazz”, nơi những chiếc xe Rolls-Royce đại diện cho sự giàu có, sang trọng và đẳng cấp. Song song đó, Henry Royce cũng tham gia thiết kế động cơ máy bay và cung cấp mã lực cho một nửa số động cơ máy bay của không lực đồng minh, đưa Rolls-Royce vươn đôi cánh thép trên bầu trời.
Mười năm sau, nhà sản xuất ô tô Anh Quốc đã mua lại đối thủ Bentley khi hãng xe này không thể vượt qua cơn khủng hoảng của cuộc đại suy thoái kéo dài suốt những năm 1930. Giai đoạn những năm 1950 là thời kỳ thịnh vượng của Rolls-Royce, đánh dấu sự ra mắt của Phantom IV và cũng là khởi đầu cho mối quan hệ dài lâu giữa thương hiệu với Hoàng Gia. Độ độc nhất của Phantom IV đã được kiểm chứng khi chỉ sản xuất 18 chiếc và tất cả đều dành cho hoàng gia cũng như các nguyên thủ quốc gia danh tiếng.
Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, Rolls-Royce đã mở rộng quy mô và đặt các nhà máy mới ở Crewe, Cheshire, Derby; đồng thời chia thành hai nhánh hàng không và xe hơi. Do đó, công ty Rolls-Royce Motors ra đời vào năm 1973 và đạt nhiều thành công với các dòng xe ăn khách như Silver Shadow II, Silver Wraith II và Corniche.
Để tồn tại trong cuộc khủng hoảng xảy ra vào năm 1980, Rolls-Royce buộc phải bán lại cho tập đoàn Vickers. Sau 17 năm gắng gồng nhưng không thể vực dậy Rolls-Royce, Vickers quyết định rao bán nhãn hiệu này cùng Bentley.
Ngay sau khi “lên sàn”, 3 ông lớn của Đức gồm BMW, Volkswagen và Mercedes bắt đầu một cuộc đua nhằm sở hữu “miếng bánh” béo bở mà Vickers đang có. Tới năm 1998, Volkswagen giành được Bentley và một phần nhà máy Crewe, đổi tên thành Bentley Motors Limited. Trong khi đó, BMW chỉ giữ quyền sở hữu đối với tên và nhãn hiệu để sử dụng trên xe Rolls-Royce sau khi mua lại từ Rolls-Royce plc với giá 40 triệu bảng, đồng thời hình thành cái tên mới Rolls-Royce Motor Cars. Mercedes đã thất bại hoàn toàn trong cuộc chơi.
Tranh chấp giữa BMW và Volkswagen vẫn diễn ra vài năm sau đó mới có thể đi đến thống nhất. Đến đầu năm 2003, BMW mới “danh chính ngôn thuận” xuất xưởng những chiếc Rolls-Royce đầu tiên và đưa thương hiệu này bước sang một trang mới.
Haute Couture của thế giới xe sang
Không giống nhiều nhà sản xuất xe hơi khác, Roll-Royces vẫn trung thành với di sản và nguồn cội của mình khi sử dụng logo được thiết kế vào năm 1907. Mặc dù có một vài phiên bản được thiết kế lại dựa trên đặc điểm nhận diện của thương hiệu nhưng kiểu dáng và phông chữ vẫn giống so với logo ban đầu.
Trong hơn một thế kỷ qua, Rolls-Royce chỉ sản xuất khoảng 100.000 chiếc nhưng giá trị của những mẫu xe Rolls-Royce luôn tăng dần theo thời gian và khẳng định chất lượng, vị thế độc tôn của mình trong các dòng xe hạng sang. Mới đây nhất, Công ty Rolls-Royce Motor Cars đã gửi thông điệp đến cộng đồng xã hội và những người yêu mến thương hiệu này khi những hậu quả của đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại: "Covid-19 có thể là một trong những trải nghiệm khó khăn nhất mà Rolls-Royce từng đối mặt nhưng chắc chắn công ty sẽ vượt qua".
Sau bao nhiêu chờ đợi thì thương hiệu xe đắt đỏ nhất hành tinh cũng mở cửa hàng đầu tiên tại Sài Gòn.
Một trong những lý do quan trọng khiến Rolls-Royce luôn đắt khách là đáp ứng mọi yêu cầu của những khách hàng khó tính nhất và mỗi chiếc Rolls-Royce là một tác phẩm nghệ thuật được chế tác theo yêu cầu của chủ nhân. Hầu hết các chi tiết bằng gỗ và da đều được các nghệ nhân hàng đầu tại nhà máy của Rolls-Royce ở Goodwood, Anh chế tác tỉ mỉ bằng tay. Khoảng 56 bộ phận bằng gỗ được làm từ gỗ của cây óc chó hoặc gỗ cây đu lâu năm với màu sắc và kiểu dáng theo yêu cầu của khách hàng. Các loại gỗ này có độ bền cao và khả năng chịu va chạm mạnh tốt.
Bên cạnh đó, hơn 400 chi tiết khác bằng da nhập từ Bavaria, Đức hay từ Argentina cũng được trau chuốt cẩn thận theo gu của khách hàng. Còn vỏ xe được chế tạo ở Đức và được đưa sang sơn tại Anh. Quá trình sơn cũng đựơc tiến hành một cách cầu kỳ với 15 lớp. Để tạo ra một chiếc Rolls-Royce người ta đã phải mất 2 tháng để hoàn thiện, trong khi lắp ráp hoàn thiện một chiếc xe thông thường trên dây chuyền chỉ mất khoảng 26 phút.
Dù được cá tính hoá theo yêu cầu của khách hàng nhưng mọi chiếc Rolls-Royce đều có nắp ca-pô dài cùng biểu tượng “Spirit of Ecstasy” và lưới tản nhiệt có kiểu dáng không lẫn đi đâu được. Bên dưới nắp ca-pô là động cơ V12 có công suất hơn 400 mã lực và cho vận tốc tối đa 240 km/h. Bên cạnh các thiết bị tối tân như dàn âm thanh chất lượng thượng hạng, điều hoà, quạt gió lọc mùi… Nội thất của Rolls-Royce là thế giới riêng tĩnh lặng và mang đậm phong cách của chủ nhân.
Tất cả các công đoạn đều tỉ mỉ và phải hoàn hảo đến từng chi tiết như chính chuẩn mực cao nhất Haute Couture của thế giới thời trang. Đó là lý do Rolls-Royce luôn là cái tên đại diện cho sự độc bản và xa xỉ nhất của địa hạt xe sang.
Đạt Tiến
Ảnh: Elle Man, Rolls-Royce