#MAFashion Vân Phạm - 'Cân bằng giữa tính cá nhân và tính ứng dụng là việc không hề đơn giản'

The Soul Story

Người phụ nữ thứ 4 của "The Soul Story" là một nhà thiết kế từng có thời gian học tập và làm việc tại Milan, Ý. Nhưng cô vẫn chọn trở về Sài Gòn viết tiếp giấc mơ của mình.

Chào Vân, rất vui khi được ngồi đây trò chuyện cùng bạn. Đầu tiên, Vì sao Vân chọn Italy là nơi để học Thạc sĩ về chuyên nghành của mình mà không phải là Pháp, Anh hay Mỹ? 

Đối với mình, để quyết định đi du học ở đâu thì cần xem xét kỹ càng các yếu tố như chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, an ninh của đất nước, môi trường và chi phí sinh sống học tập tại đó. Với nước Anh và Mỹ, mình không tìm được chương trình học ưng ý kèm thêm chi phí sinh sống và học tập khá cao, do đó mình đã không lựa chọn tới đây dù đây là hai nước nói tiếng Anh sẽ thuận tiện hơn trong giao tiếp cho mình.
Ở thời điểm mình nghiên cứu và lựa chọn trường để theo học là năm 2019, lúc này đang có biểu tình bạo loạn ở Paris với mức độ căng thẳng cao nên mình đã loại tất cả các trường ở Pháp vì lý do không đảm bảo an toàn. Đối với nước Ý, mình cảm thấy hài lòng sau khi xem xét các yếu tố mà mình đã kể phía trên và đặc biệt là mình ngưỡng mộ di sản nghệ thuật cũng như sự phát triển ngành công nghiệp Thời Trang ở đây. Và cơ duyên khi mình đoạt giải nhì học bổng Master Fashion Design của Vogue Talent đã phần chấp cánh cho mình đến kinh đô thời trang Milan.

Vân có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang cũng có ước muốn và chuẩn bị đi du học thời trang như mình? Vân đánh giá như thế nào về các NTK Gen Z hiện nay?

Vân xin dành 3 lời khuyên cho các bạn đang mong muốn đi du học thời trang:
-    Đầu tiên là hiểu và biết rõ đam mê cũng như mong muốn của bạn khi đi du học.
-   Nghiên cứu thật kỹ về nơi mà mình muốn theo học, các “điểm tốt” và đặc biệt là các “điểm xấu” để có thể chuẩn bị tâm lý tốt nhất trước khi đi.
-   Và cuối cùng, khi tìm hiểu về trường, hãy tìm đọc review của các bạn sinh viên, cựu sinh viên hoặc những người đang làm việc trong ngành bạn theo học thay vì chỉ đọc những bài báo mạng, các trang tư vấn du học hay thông tin trên website của trường. Về việc “đánh giá các NTK Gen Z”, Vân nghĩ mình cũng còn quá nhỏ bé để có thể “đánh giá” bất kỳ ai, nhưng nếu có thể chia sẻ suy nghĩ của bản thân về thế hệ Gen Z thì Vân thấy các bạn đều rất tiềm năng, sáng tạo và đặc biệt là hội nhập với quốc tế nhờ sự hỗ trợ của mạng xã hội. Là một lớp trẻ đầy hứa hẹn cho ngành thời trang hiện nay.

Trong thời trang việc để cân bằng tính cá nhân và tính ứng dụng trong các mẫu thiết kế là vô cùng khó, là cả một quá trình, Vân đã làm điều đó như thế nào?

Đúng là để cân bằng giữa “tính cá nhân” và “tính ứng dụng” là việc không hề đơn giản, đặc biệt là với những cá nhân có cá tính khác biệt. Với việc này thì tùy hướng đi của mỗi NTK mà có những cách làm khác nhau. 
Đối với mình, mỗi khi bắt đầu tạo ra một bộ sưu tập, mình đều cố gắng đặt ra số % của số lượng sản phẩm mà mình cho phép bản thân sáng tạo trong đó, phần còn lại thì phải là sự cân cằng giữa cái tôi và tính ứng dụng. Để làm được điều này mình đã chọn cách nghiên cứu thật kỹ mong muốn của khách hàng, danh sách sản phẩm bán chạy và bán chậm, từ đó hiểu được mức độ sáng tạo và ứng dụng mà khách tìm ở sản phẩm của thương hiệu và cân bằng từ đó. 

Nếu thập niên 90 là thời kỳ của các siêu mẫu, 2000 là thế hệ các Celebrity xuất hiện dầy đặt trên các sàn runway, thập niên 2010 chúng ta chứng kiến Instagram làm thay đổi làng mốt, nhiều fashionista, blogger nổi tiếng được săn đón không thua những model hạng A. Và thập niên này là sự trỗi dậy của Tik Tok, nhiều hot TikToker còn được Anna Wintour mời đến Met Gala, ở Việt Nam thời gian gần đây nhiều hot TikToker cũng được mời lên sàn runway, cũng như xem show thì lại bị công chúng lên án dữ dội. Đối với Vân thì thấy sự việc này như thế nào?

Sự bùng nổ mạnh mẽ của Tik Tok ảnh hướng đến rất nhiều lĩnh vực, trong đó có thời trang, điều này mình nghĩ là không thể chối cãi. Đó là lý do gần đây chúng ta thấy nhiều Tiktoker xuất hiện trong các show thời trang hay trên sàn runway ở cả quốc tế và trong nước. 
Cá nhân mình nghĩ đây không phải nền tảng xấu, vì nhờ Tik Tok mà nhiều bạn trẻ đã có cơ hội thể hiện tài năng, cá tính của mình cũng như nhiều công ty đã “săn lùng” được những gương mặt triển vọng mới. Tuy nhiên, lý do để việc này bị công chúng lên án dữ dội có thể vì một số bạn Tiktoker được mời tới chưa có được sự công nhận, sự ngưỡng mộ từ người xem, từ giới mộ điệu, hoặc chưa có sự đóng góp nhiều cho ngành thời trang.

Vân Phạm và NTK Anna Kiki.

Thường những người làm sáng tạo thì không phải lúc nào cũng có nguồn cảm hứng, có những lúc mình bị bí bách và thiếu sáng tạo thì Vân sẽ giải quyết như thế nào?

Đây có lẽ là câu hỏi mà tới tận bây giờ mình vẫn đang tìm câu trả lời. Tùy theo tâm trạng mà mình có cách giải quyết cho mỗi lần khác nhau. Nhưng xu hướng của mình là tạm thời gạt công việc sang một bên, tìm những việc làm khác để nuôi dưỡng tâm hồn và hy vọng tìm được cảm hứng sau đó. Những việc mình thường hay làm là đọc sách, xem phim, nghe nhạc, tán gẫu và đi bộ. Ngoài ra, mình cũng hay tìm những hoạt động mới mà trước đây mình chưa bao giờ thử, biết đâu mình lại có cảm hứng gì từ đó? Ví dụ như gần đây mình hay tham gia những workshop làm gốm, làm nến, chèo thuyền hay mua tôm kiểng, cá cảnh về nuôi và ngắm mấy bé bơi lội tung tăng 😊.

Theo Vân, làng mốt Việt đang ở giai đoạn nào?

(Cười lớn) Câu hỏi này có lẽ là hơi mang tính vĩ mô đối với mình. Mình nghĩ là ngành Thời trang ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Thời gian trôi qua, ngày càng có nhiều NTK trẻ mới tài năng, những thương hiệu thời trang mới được sinh ra, những NTK gạo cội thì liên tục ghi điểm bởi những sáng tạo của mình và được dư luận quốc tế chú ý. Đây quả thực là những tín hiệu rất đáng mừng.

Với ý kiến của riêng bạn, các local brand hiện nay có đang bị “ngáo giá” vì rất nhiều cái tên xa lạ nhưng giá rất cao, hơn hẳn các brand quốc tế? Lợi thế cạnh tranh nào cho thời trang Việt?

Vấn đề này đúng là đã và đang được tranh cãi rất nhiều. Mình nghĩ là đa số thương hiệu cả mới và cũ khi đưa ra mức giá đều có lý do của họ. Tuy nhiên, cũng có nhiều thương hiệu nếu mình cảm thấy mức giá họ đưa ra là không phù hợp với sản phẩm thì mình sẽ không để tâm tới và không nhớ tên luôn nên rất xin lỗi vì mình không thể nêu ra được cái tên nào ở đây. 

Gần đây mình nhận ra nhiều sáng tạo của thương hiệu Việt đã ghi được dấu ấn trong lòng người yêu thời trang quốc tế như Cong Tri, Gia Studio hay Tran Hung hay những local brands Việt được sao quốc tế quan tâm tới như La Lune và Fancì Club, vậy nên có thể thấy rõ khả năng cạnh tranh của thời trang Việt ở quốc tế là hoàn toàn có và nhiều tiềm năng phát triển hơn trong tương lai. Lợi thế ở đây có lẽ là sản phẩm của các thương hiệu Việt cũng được đầu tư rất nhiều về mặt thiết kế, hình ảnh và sản xuất song giá thành lại mềm hơn so với những thương hiệu quốc tế có chất lượng tương đương.

Những năm 2000, khi một người mẫu chân chính nếu bạn cất lực làm nghề thì vẫn có thể trở thành Vedette. Còn từ 2010 đến nay, có một sự thật đáng buồn là tất cả các bạn model muốn tiến thân xa hơn đều muốn trở thành Hoa Hậu, và các bạn đổ xô đi thi nhằm tìm kiếm cho mình danh hiệu để có chỗ đứng trên sàn Catwalk. Đối với Vân là một NTK, theo gout riêng thì Vân thích làm việc với ai hơn?

Vài năm gần đây thực sự là mình muốn “bội thực” với các tin tức về các kiểu cuộc thi hoa hậu và đúng là ở Việt Nam, hoa hậu trở thành Vedette là khá phổ biến. Đương nhiên vì “model” và “hoa hậu” có những điểm chung nhất định nên có thể lấn sân qua ngành nghề của nhau ở một số hoạt động.
Theo gout riêng thì mình thích làm việc với người mẫu hơn, vì trình diễn thời trang tốt hay truyền tải ý đồ của NTK qua những bức hình chắc chắn không phải kỹ năng mạnh của nhiều hoa hậu. Không những thế, với cá nhân mình thì tiêu chí để lựa chọn 1 gương mặt hoa hậu và 1 gương mặt người mẫu là hoàn toàn khác nhau. Nếu phải chọn một hoa hậu ở Việt Nam mà mình ngưỡng mộ thì đó là chị H’Hen Niê. Chị ấy có một câu chuyện tràn đầy cảm hứng, gương mặt ấn tượng và những bước đi uyển chuyển vì trước khi trở thành hoa hậu, chị ấy đã là một người mẫu.

Xếp hạng giúp FW 3 nàng thơ truyền cảm hứng đối với bạn? 

Mình đã bật mí 1 trong 3 nàng thơ ở trên rồi thì phải (Cười lớn). Ở Việt Nam thì mình chỉ có thể chọn H’Hen Niê, ở quốc tế thì mình thích phong cách của Rihanna, Zendaya và Kendal Jenner. Còn “chàng thơ” thì mình rất ưng vẻ đẹp của Timothee Chalamet.

Retrieval là BST mà Vân cảm thấy tự hào nhất và cũng là BST đầu tiên bán được toàn bộ thiết kế.

Phong cách thiết kế mà Vân theo đuổi? Hãy kể tên 5 thương hiệu thời trang mà bạn yêu thích nhất?

Phong cách thiết kế mà Vân theo đuổi là hơi hướng nữ tính nhưng quyền lực và nổi bật. 
5 thương hiệu mà mình yêu thích nhất là:
5. Celine
4. Jacquemus
3. Alexander McQueen
2. Gucci
1. Schiaparelli

Theo Vân, tại sao thời trang Ý lại có vị thế dẫn đầu thế giới, sức lan tỏa mạnh mẽ như vậy suốt hàng trăm năm qua mà chưa có dấu hiệu dừng lại?

Người Ý có kỹ năng làm đồ thủ công lành nghề và cả một kho tàng di sản nghệ thuật do tổ tiên để lại từ nhiều thế kỷ về trước, trong đó có những thiên tài phải kể đến như Leonardo Da Vinci hay Michelangelo. Khi họ sinh ra đã được tiếp xúc, lớn lên trong một đất nước xung quanh được bao phủ bởi thiên nhiên kỳ vĩ, kiến trúc tráng lệ và nghệ thuật ở khắp mọi nơi. Vậy nên, gu thẩm mỹ và cách họ cảm thụ cái đẹp rất nhạy bén do được tiếp xúc từ khi còn nhỏ. Họ cũng rất dũng cảm trong việc thử những cái mới và luôn học hỏi, phát triển không ngừng trong lĩnh vực thời trang. Do đó khi tới Ý, đặc biệt là Milan – thủ đô thời trang của thế giới, bạn sẽ có cảm giảc được vây quanh bởi những con người sành điệu và thời thượng.

Nếu có một thương hiệu thời trang, Vân sẽ chọn con đường nào cho riêng mình?

Vân muốn phát triển theo hướng thời trang bền vững. Đây là xu hướng đã thịnh hàng nhiều năm ở quốc tế và cũng không còn quá mới lạ trong những năm gần đây ở Việt Nam khi mọi người ngày càng quan tâm nhiều hơn tới môi trường, đặc biệt là sau dịch Covid vừa rồi. Vân tin là những năm sắp tới đây cụm từ “sustainability” – tính bền vững sẽ tiếp tục phát triển không chỉ trong thời trang mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như nội thất, F&B hay sản xuất. 

Kế hoạch trong 3 - 5 năm tới của Vân là như thế nào?

Hiện tại thì ưu tiên của Vân là ổn định sự nghiệp và chăm sóc gia đình. Mình hiện đang công tác tại công ty thời trang với mong muốn học hỏi nhiều hơn về mô hình quản lý, tổ chức và vận hành một doanh nghiệp. Với mình thì giỏi chuyên ngành không có nghĩa là giỏi kinh doanh chuyên ngành đó và việc tích lũy kinh nghiệm, học hỏi không bao giờ là thừa. Để mở ra một thương hiệu thì không khó, nhưng để duy trì sự ổn định, quản lý và phát triển thương hiệu qua từng năm mới là thử thách và là điều mình quan tâm. Mình cũng muốn là sau 3-5 năm nữa, mình sẽ có đủ kiến thức, kinh nghiệm, tài chính và những mối quan hệ trong ngành để có thể có một thương hiệu của riêng mình. Xin cảm ơn anh Tiến và Fashionista's World rất nhiều đã cho em có cơ hội được chia sẻ câu chuyện của mình!

Cám ơn những chia sẻ thú vị của Vân cùng "The Soul Story", chúc cho công việc của bạn sẽ ngày càng thành công, những dự định tương lai sẽ mau chóng trở thành hiện thực nhé!

Đạt Tiến

Ảnh: NVCC


 

Ngày đăng: 27-11-2022
Đăng bởi: fashionistasworld
Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: