Trong văn hóa đại chúng, người ta luôn biết rằng nếu Marilyn Monroe là người giải phóng tình dục cho đàn ông Mỹ và chưa có ai sở hữu vẻ đẹp sang trọng, quyền quý hơn Grace Kelly. Thì Audrey Hepburn chính là hiện thân của vẻ đẹp đơn thuần, thanh lịch vượt thời gian.
Một trong những nhân vật đã góp phần gây ảnh hưởng sâu sắc, một tay thay đổi nhận thức về ăn mặc của người đương thời và cả hậu thế, người mãi là nàng thơ duyên dáng mang sắc màu độc bản của Givenchy nói riêng và cả lịch sử thời trang, trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tạo cái đẹp về sau... không ai khác chính là Audrey Hepburn.
Khát khao làm mẹ phi thường truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ
Audrey Hepburn từng có câu nói bất hủ về nỗi cô đơn: “Tôi không muốn ở một mình. Tôi không muốn bị bỏ lại một mình”. Quả thực, sống trong danh vọng và luôn được hàng triệu người mến mộ nhưng người đẹp luôn bị ám ảnh bởi sự cô độc. Sau những năm tháng tuổi thơ chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh, Audrey Hepburn luôn mang trong mình nỗi sợ hãi về sự chia ly. Trong cuộc đời, Audrey Hepburn từng 2 lần kết hôn nhưng dường như cô chưa bao giờ tận hưởng một cuộc hôn nhân hạnh phúc trọn vẹn.
Ít ai biết rằng trong quá trình quay The Unforgiven năm 1960, Hepburn đã bị ngã ngựa và hậu quả khiến cô sảy thai. Mất đi đứa con thứ hai (lần sảy thai đầu vào năm 1955) với Mel Ferrer, nữ diễn viên rơi vào tình trạng trầm uất khá nặng nề, sụt cân và hút rất nhiều thuốc. Đến năm 1965, cô lại tiếp tục sảy thai sau khi đang ghi hình cho How To Steal A Million. Nỗi đau không dừng lại ở đó khi năm 1967 Hepburn lại tiếp tục sảy thai giữa lúc cô và Mel Ferrer có tin đồn ly thân.
Những nỗi đau mất con của Hepburn là một trong những nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân của cô đi đến kết thúc năm 1968 mặc dù hai người đã có một cậu con trai Sean được ra đời vào năm 1961.
Trong cuộc hôn nhân thứ hai với vị bác sĩ chuyên khoa thần kinh Andrea Dotti, người mà cô quyết định đi tới hôn nhân vào năm 1969, Audrey Hepburn có thêm một cậu con trai là Luca Dotti nhưng cô cũng vô cùng đau đớn khi mất đi một sinh linh bé bỏng khác. Đến năm 1974, Hepburn đã sảy thai tổng cộng 5 lần.
Nếu như là những người phụ nữ khác, họ sẽ không thể nào bình tĩnh nổi trước việc liên tiếp mất đi máu mủ của mình như vậy. Nhưng người phụ nữ này là Audrey Hepburn, người luôn tu dưỡng bản thân bằng cách biết ơn về tất cả. Cô vẫn lạc quan sống và truyền cảm hứng cho hàng triệu ba mẹ trên thế giới.
Robert Wolders là một nam diễn viên người Hà Lan, bến đỗ cuối cùng trong cuộc đời của Hepburn, người mà bà đã dành 9 năm chung sống cho dù không làm đám cưới với ông. Khác với nhiều minh tinh màn bạc khác, Audrey Hepburn không chọn cho mình một tuổi già thảnh thơi và hưởng thụ sau những năm tháng dốc hết tài năng và sự nhiệt thành cho nghệ thuật thế giới. Trái lại, bà cống hiến cho cuộc đời tới hơi thở cuối cùng của mình.
Năm 1988, sau hơn 10 năm rút lui khỏi ngành giải trí, Audrey Hepburn trở thành đại sứ thiện chí của UNICEF. Từ đó đến trước khi qua đời, bà trở thành một nhà hoạt động nhân đạo và dành nhiều thời gian cũng như công sức, tận tụy tham gia các chiến dịch thiện nguyện để quan tâm, giúp đỡ trẻ em ở những quốc gia còn gặp nhiều khó khăn.
Chuyến thăm lịch sử của Audrey Hepurn đến Việt Nam vào thập niên 90 tạo nên sự chú ý mạnh mẽ của truyền thông quốc tế với một quốc gia đang khôi phục và đổi mới sau chiến tranh.
Trong 5 năm cuối đời mình, Audrey Hepburn đã đến hơn 20 quốc gia trong đó có Việt Nam để giúp đỡ những trẻ em gặp khó khăn. Bà là một trong những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng Hollywood đầu tiên tận tụy tham gia hoạt động thiện nguyện, tận dụng danh tiếng của mình để phục vụ công tác thiện nguyện.
Audrey Hepburn từng nói: “Tôi rất vui vì có một cái tên được nhiều người biết tới, bởi tôi có thể sử dụng nó cho điều xứng đáng nhất. Đó là một phần thưởng mà sự nghiệp của tôi đã tặng cho tôi”. Một người phụ nữ không ngừng cống hiến cho tới những giây phút cuối cùng.
Bà đúc kết rằng: “Khi lớn tuổi hơn, bạn sẽ hiểu rằng bạn có hai bàn tay, một để giúp đỡ chính mình, một để giúp đỡ người khác”. Bà qua đời năm 1993 vì bệnh ung thư ở tuổi 63.
Biểu tượng thanh lịch vĩnh cửu của Givenchy và thời trang thế giới
Trong một cuộc phỏng vấn với Vanity Fair, con trai của Audrey Hepburn là Lucca Dotti từng chia sẻ mẹ anh không nghĩ là mình đẹp. “Mẹ tôi nghĩ rằng bà có một chiếc mũi to, bàn chân cũng to nữa, thân hình thì gầy gò và ngực nhỏ. Mẹ tôi thường đứng trước gương và hỏi rằng “không hiểu sao mọi người lại nghĩ mẹ xinh đẹp nhỉ”.
Tình bạn của hai huyền thoại chớm nở vào một ngày xuân năm 1953. Khi đó, Audrey Hepburn lựa chọn người thiết kế trang phục cho bà trong bộ phim "Sabrina". Theo Vouge, nhà thiết kế nổi tiếng Cristóbal Balenciaga là sự lựa chọn hàng đầu lúc bấy giờ, nhưng Hepburn lại quyết định hẹn gặp Givenchy. Lúc ấy, nhà thiết kế người Pháp cũng đang thực hiện một bộ sưu tập và mong đợi Hepburn xuất hiện trước cửa nhà mình. Givenchy từng chia sẻ với tạp chí Vogue rằng ngay trong lần đầu gặp gỡ, ông bị đôi mắt nai và thân hình mảnh mai của Hepburn mê hoặc. Hepburn cũng dành một sự ngưỡng mộ và say mê các thiết kế của Givenchy. Tuy nhiên, người được Hepburn lựa chọn là nhà thiết kế quyền lực Edith Head. Năm 1954, Edith thắng giải Oscar "Thiết kế trang phục xuất sắc" cho "Sabrina", trong đó có chiếc đầm đen cổ chữ H buộc nơ ở vai. Nhiều năm sau, trong một cuộc phỏng vấn, Hepburn khẳng định trang phục trong phim được lấy cảm hứng từ các mẫu vẽ của Givenchy mà Hepburn mang về trong ngày đầu tiên bà gặp ông ở Paris.
Áy náy với Givenchy, Audrey Hepburn quyết định phim nào bà đóng, trang phục sẽ do Givenchy làm (trừ thiết kế do Cecil Beaton thực hiện cho giải Phim xuất sắc nhất My Fair Lady năm 1964). Đây là hợp đồng đầu tiên thuộc loại này trong lịch sử. Kể từ đó, Hepburn trở thành nàng thơ của Givenchy. Giữa họ tồn tại một mối quan hệ sâu sắc cho đến tận khi Hepburn qua đời vào năm 1993. "Hubert giống như một cái cây, cao, thẳng và đẹp vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông. Anh ấy tạo ra vẻ đẹp và rồi cứ thế tái tạo chúng. Gốc rễ của tình bạn chúng tôi luôn sâu sắc và mạnh mẽ. Và nếu anh ấy là cây, cái cây ấy sẽ có nhiều nhánh rộng để chở che cho những người mà anh ấy yêu mến", Audrey Hepburn nói.
Sự hợp tác trên màn ảnh và ngoài đời của Herbert de Givenchy và Audrey Hepburn không chỉ dẫn đến những khoảnh khắc mang tính biểu tượng của văn hóa đại chúng mà còn tạo ra một cuộc cách mạng trong thế giới thời trang về người phụ nữ hiện đại. Ngày nay khi mọi người nghĩ về ngôi sao điện ảnh Thời đại hoàng kim, cô sẽ mãi là khuôn mặt không thể lãng quên. Cái tên Audrey Hepburn đã trở thành định nghĩa về vẻ đẹp thanh lịch tối thượng đến nỗi vẫn còn gây được tiếng vang lớn đối với thế hệ trẻ của thiên niên kỷ đam mê công nghệ.
Đối với phục trang của cô, Givenchy đã thiết kế một loạt các trang phục hoàn hảo đã làm rung chuyển làng thời trang thập niên 60 và hiện đại hóa hình ảnh của một người phụ nữ sành điệu, thanh lịch và đầy tinh tế. Bản thân Audrey luôn tôn thờ những gì đơn giản và tinh tế: "Sự thanh lịch là vẻ đẹp không bao giờ phai tàn."
Chiếc đầm dài quét đất đi kèm với găng tay đồng màu tưởng đơn giản nhưng lại hoá nét thanh lịch tồn tại mãi với thời gian. Chiếc váy quyền quý đa khắc hoạ sắc nét diễn biến tâm lý của nhân vật mà Audrey hóa thân: Dừng lại bên cửa hàng Tiffany’s và khao khát thể hiện đẳng cấp của người phụ nữ thị thành tự tin, mong muốn đổi đời và trở nên giàu có, sống trong nhung lụa và những thứ phù hoa. Trong tất cả những tuyệt phẩm của Givenchy thì thiết kế này được xem là một trong “những bộ váy quan trọng nhất trong lịch sử thời trang” cùng với chiếc váy trắng bay bổng của Marilyn Monroe.
Với những vai diễn xuất sắc trong sự nghiệp, Audrey là một trong 9 người duy nhất từng thắng cả bốn giải thưởng quan trọng nhất của nước Mỹ: Oscar (Điện Ảnh), Grammy (Âm Nhạc), Emmy (Truyền Hình), Tony (Kịch Nghệ) và rất nhiều giải thưởng danh giá khác. Viện Phim Mỹ (AFI) cũng xếp minh tinh sinh năm 1929 đứng thứ ba trong danh sách “những huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ” chỉ sau hai biểu tượng Katharine Hepburn và Bette Davis. Trong giai đoạn hoàn kim của sự nghiệp, ngôi sao người Anh cũng là nữ minh tinh được trả cát sê cao thứ 2 trong lịch sử lúc bấy giờ với hơn 900,000 usd cho một phim, chỉ sếp sau Elizabeth Taylor (Nữ minh tinh đầu tiên chạm mốc 1 triệu đô cho tác phẩm Cleopatra năm 1963).
Còn với thời trang, tất cả những phim có sự tham gia của “nàng thơ Givenchy” thì phần trang phục đều được đánh giá gần như hoàn hảo và không có đối thủ. Với vóc dáng thanh mảnh, đôi mắt nai đầy tinh nghịch và nụ cười trong veo của Audrey Hepburn là định nghĩa của vẻ đẹp thanh lịch đầy tinh tế và lôi cuốn, là nàng thơ vĩ đại nhất mà chúng ta từng có trong lịch sử thời trang. Bà được sinh ra để làm kiêu hãnh những bộ trang phục đơn giản nhất và biến chúng trở thành những biểu tượng bất tử.
“To Audrey with love”
Trong một lần chia sẻ, Hubert de Givenchy tiếp tục ngắm nhìn lại tình bạn của mình với Audrey Hepburn. Mặc dù cả hai đều có cuộc sống cá nhân rất kín đáo, Givenchy vẫn thừa nhận rằng ông và nữ diễn viên luôn giữ mối quan hệ thân thiết.
Khi Hepburn biết mình bị ung thư ruột thừa vào năm 1992, ước nguyện cuối cùng của bà là được trở về ngôi nhà thân yêu của mình ở Thụy Sĩ. Givenchy và một người bạn thân khác tên Bunny Mellon đã sắp xếp một chiếc máy bay riêng để vận chuyển và một hệ thống hỗ trợ sự sống để duy trì nhịp thở cho bà cho đến khi họ đến châu Âu. Khi đến ngôi làng nhỏ Tolochenaz, những người bạn đã cùng nhau trải qua một Giáng sinh nữa cho đến khi Audrey qua đời vào ngày 20 tháng 1 năm 1993, ở tuổi 63. Givenchy vẫn ở đó cho đến phút cuối cùng.
Những gì còn lại cho đến ngày nay là một tình bạn vượt thời gian, được ghi lại bằng những thước phim tuyệt đẹp và những bức ảnh trắng đen chân thực giúp chúng ta có cái nhìn thoáng qua về mối quan hệ đặc biệt của họ. Trong cuốn sách To Audrey with Love của Givenchy, nhà thiết kế đề cập đến tình bạn của ông với Hepburn giống như một cuộc hôn nhân.
Đến tận ngày hôm nay, chủ nghĩa Audrey Hepburn vẫn còn mãi và truyển cảm hứng cho hàng tỷ tín đồ thời trang say mê vẻ đẹp thanh lịch, đơn giản và đầy tinh tế. Vẻ đẹp và phong cách của người phụ nữ tài năng, cống hiến, vượt qua mọi nghịch cảnh ấy vẫn sẽ luôn ở đó, như một tượng đài bất diệt đi cùng năm tháng.
Đạt Tiến
Ảnh: Vogue, Bazaar, Tatler, Getty...