"New Look" ra mắt năm 1947, trong đó có chiếc bar suit kinh điển, là liều thuốc giải đầy nữ tính và dịu dàng giữa bối cảnh chiến tranh kinh hoàng. Hậu thế chiến thứ II, phụ nữ đã quá chán ngán với những trang phục khô cứng, New Look, sau này đã trở thành bộ sưu tập nổi tiếng nhất của Christian Dior, mở ra một chương mới cho thời trang. Người ta còn hay gọi đó là thời vàng son của Haute Couture thế giới.
Cuộc cách mạng huyền thoại mang tên "New Look"
Tháng Hai năm 1947, tại số 30, đại lộ Montaigne, Paris, Christian Dior ra mắt bộ sưu tập đầu tiên bao gồm bộ “Bar suit” đặc trưng với áo jacket thít chặt eo và váy xòe dài qua gối. Bộ sưu tập vốn được gọi là “Corolle” với các thiết kế tôn lên vòng eo và ngực này cũng như phom dáng đó ngay lập tức được biết đến với cái tên “New Look” sau khi tổng biên tập Harper’s Bazaar đương nhiệm, Carmel Snow đã thốt lên: “It’s such a New Look” sau khi xem xong show diễn.
Bar suit, bộ trang phục nổi tiếng thuộc bộ sưu tập New Look 1947.
Trong bối cảnh lịch sử sau chiến tranh thế giới thứ II, bộ sưu tập của Dior quả thật là một cuộc cách mạng và cũng nhận không ít sự đả kích. Tình trạng thắt chặt mọi nguyên liệu, bao gồm vải vóc thời chiến vẫn còn chưa sáng sủa hơn và phụ nữ vẫn phải mặc những trang phục thô cứng, thiếu sự nữ tính may từ lượng chất liệu vừa đủ. Trong khi đó Dior lại dám mạnh tay dùng gần 20m vải chỉ để cắt may một chiếc váy xòe. Thiết kế của Dior là hồi chuông thúc giục thế giới hãy khép lại thời kỳ chiến tranh khắc khổ và tôn vinh trở lại hình tượng người phụ nữ sexy, quý phái, dịu dàng.
Bức biếm họa về sự đối lập giữa người phụ nữ New Look và phụ nữ thời chiến.
Với tuyên ngôn đó, New Look của Dior được phụ nữ khắp nơi, những người đã quá chán ngán với trang phục khô cứng của thập niên 1940 đồng tình. Và hơn thế nữa, nó đã định hình cho phong cách thời trang của cả một thập kỷ tiếp theo với những chiếc đầm lady ôm sát ở thân trên và xòe ra ở tùng váy. New Look được đặc trưng bởi những bộ đầm xòe bồng, tôn đường cong rất mềm mại khác xa với những trang phục thô cứng, thiếu nữ tính của thời kỳ trước đó.
Giữa lúc phụ nữ thế giới đang hướng tới một cơ thể “đồng hồ cát” nóng bỏng thì sự ra đời của New Look đã thỏa mãn được đam mê và khao khát hướng tới cái đẹp thanh lịch của nữ giới. Chúng phô diễn đường cong với phần eo chiết, chân váy xòe rộng và đẩy vòng một lên cao. Không còn nữa những bờ vai vuông vức, thô ráp mà thay vì đó Dior mang đến cho phái đẹp một bờ vai tròn, mềm mại và rất đỗi tự nhiên. Như một cơn mưa rào sau những tháng ngày thời trang 'khô cằn', New Look nhanh chóng trở thành biểu tượng của sắc đẹp, tuổi trẻ và đỉnh cao của vẻ đẹp thanh lịch, như một 'sứ giả' cho tương lai thời trang đầy hứa hẹn. Giữa lúc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh nhưng thời điểm đó những phụ nữ tầng lớp thượng lưu vẫn không ngần ngại bỏ ra 300 đến 2400 đô la để sở hữu một thiết kế lộng lẫy của Dior.
Ngay sau đó những thiết kế huyền thoại của Edith Head dành cho minh tinh Grace Kelly cũng đã mang đậm nguồn cảm hứng từ New Look.
Bộ sưu tập cũng tái khẳng định "chủ quyền" của Paris rằng đây thực sự là kinh đô thời trang. Trong ấn phẩm tháng 4/1947, Vogue từng viết: "Tân nhà mốt cao cấp Paris - Christian Dior - không chỉ trình làng bộ sưu tập đẹp lạ thường, mà còn mang tới cho làng mốt Pháp cao cấp một sự đảm bảo mới về năng lực riêng. Vì giao dịch cao cấp là thứ thiết yếu trong kinh tế nước Pháp. Thành công nhanh chóng của Dior ở Paris không chỉ có ý nghĩa về mặt thời trang mà còn về kinh tế và chính trị".
Chiếc váy xòe kinh điển của Dior đã góp phần khẳng định vị thế "Kinh đô thời trang ảnh hưởng nhất thế giới" của Paris.
Christian Dior luôn nói rằng ông muốn Dior là một nhà mốt nhỏ bé sang trọng nhưng những sáng tạo đã đưa hãng gần như ngay lập tức thành công vang dội trên quy mô toàn cầu. Vào năm 1949, sản lượng của Dior ước tính chiếm tới 75% lượng xuất khẩu thời trang Pháp và 5% tổng sản lượng xuất khẩu của nước này.
Một di sản thời trang vĩnh hằng
"Nàng thơ của Dior" đương đại - Natalie Portman cũng rất mê mẩn những form dáng từ New Look.
Cũng không hề quá khi khẳng định, trên sàn catwalk bất kỳ mùa mốt nào, dù là Ready-to-wear thực tiễn hay Haute Couture xa xỉ, mà hình ảnh New Look không xuất hiện, không hút hồn các cặp mắt sành điệu nhất của New York, London, Milan rồi Paris. Và cũng không thể phủ nhận, New Look tạo nên những ảnh hưởng lớn đến các thế hệ thiết kế sau này, từ ông hoàng Karl Lagerfeld đến những hoàng tử của thời trang như Riccardo Tisci, Marc Jacobs, Raf Simon hay nhân vật bị thất sủng John Galliano. Họ đều không ít lần diện kiến New Look và đưa vẻ đẹp thanh lịch, nữ tính làm cảm hứng trong các bộ sưu tập.
Siêu mẫu Eva Herzigova tỏa sáng trên thảm đỏ Cannes.
Sau hơn 7 thập kỷ ra đời, cuộc cách mạng và linh hồn của New Look vẫn liên tục làm niềm cảm hứng cho những người kế nhiệm của thương hiệu Dior. Họ là Francois Demachy - người chế tạo nước hoa - khiến người ta tưởng nhớ đến hình ảnh những phụ nữ “đẹp như một bông hoa” với bộ sưu tập nước hoa mang tên New Look 1947. Là Raf Simons, một nhà thiết kế tài năng làm sống lại tinh thần New Look khi giới thiệu bộ sưu tập đầu tay được dựa vào kiểu dáng New Look 1947 kinh điển. Buổi trình diễn đánh dấu một cột mốc quan trọng của Dior khi linh hồn của thời kỳ đỉnh cao nhất của Dior đã trỗi dậy và làm sôi động làng thời trang thế giới.
Trong các hậu bối, Raf Simon được xem là người bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ Christian Dior.
Đóa hoa hương sắc Nicole Kidman gây thương nhớ với một thiết kế riêng của Raf Simon khi còn đương nhiệm giám đốc sáng tạo tại Dior. Nhiều nhà phê bình đánh giá đây là bản sao chép hoàn hảo của Raf từ New Look.
"Biểu tượng sắc đẹp" Nicole Kidman tiếp tục là "nàng thơ" lăng xê những thiết kế của Raf tại Emmy và Cannes 2017. Dù đã dứt áo ra đi khỏi Dior và gây nhiều tranh cãi trong khoảng thời gian ngắn ngủi ngồi ghế GĐST tại Calvin Klein. Raf Simon vẫn dành vô số giải thưởng và những lời khen ngợi trên các thiết kế đẳng cấp của mình. Nhà thiết kế tài ba vẫn chưa bao giờ phủ nhận sự ảnh hưởng sâu sắc của New Look và Dior lên sự nghiệp đình đám của ông đến tận ngày hôm nay.
Tại Cannes 2019, hậu bối nữ đầu tiên của nhà mốt Dior - Maria Grazia Chiuri lại một lẫn nữa tái hiện sống động lại hình ảnh của di sản New Look huyền thoại. Và thiết kế xuất chúng này được mặc bởi "Nữ hội thẩm trẻ nhất lịch sử Cannes" - Elle Fanning. Tên của cô cùng từ khóa Dior New Look đã trở thành trending được tìm kiếm và chia sẻ khủng trên MXH, còn các tờ tạp chí danh tiếng thì dành vô số lời ngợi ca cho sự tạo tác lần này của Maria. Qua đó, để FW một lần nữa khẳng định New Look là một thứ quyền lực mà hiếm một trào lưu hay phong cách nào bì kịp. Đã hơn bảy thập niên trôi qua, dòng chảy của thời gian có thể phủ lớp bụi của quên lãng lên không ít thứ nhưng với New Look thì ngược lại. Thời gian và kí ức khoác lên nó sự vĩnh hằng. Sẽ không ngoa khi nói rằng New Look luôn là bài học vàng trong mọi cuốn giáo trình về thời trang.
Đạt Tiến
Ảnh: Vogue, Image, Elle, Glamour...