Trong 37 năm (1988–2025), Anna Wintour đã biến Vogue Mỹ thành “Kinh thánh thời trang” toàn cầu, không chỉ định hình ngành thời trang mà còn để lại dấu ấn sâu đậm lên văn hóa đại chúng. Với mái tóc bob sắc nét, kính râm quyền lực và phong thái lạnh lùng, bà còn được mệnh danh là “thị trưởng ngầm của New York” nhờ sức ảnh chi phối từ thảm đỏ Met Gala đến các xu hướng văn hóa. Từ những trang bìa mang tính cách mạng, việc nâng đỡ các huyền thoại như Oscar de la Renta và John Galliano, đến The Devil Wears Prada và những mối quan hệ đặc biệt, Anna đã tạo nên một đế chế thời trang cho riêng mình. Sức ảnh hưởng của bà không chỉ dừng ở quần áo mà còn là cách bà biến thời trang thành ngôn ngữ của quyền lực, nghệ thuật và giấc mơ.
Những tấm bìa Cách Mạng biến Vogue thành "kinh thánh thời trang"
Thời điểm Anna Wintour vừa nhậm chức, Vogue vẫn là một tạp chí thời trang khá cổ hủ và nhạt nhoà so với các đối thủ truyền kiếp như Elle hay Harper's Bazaar. Chính Anna đã biến trang bìa Vogue thành tuyên ngôn, phá vỡ rào cản và định hình xu hướng không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới, bìa Vogue cũng là giấc mơ của tất cả model, là tiêu chuẩn để thăng hạng từ model vô danh lên top model và Supermodel. Thậm chí giới mộ điệu đã lưu truyền câu nói "Ở đâu có Vogue, ở đó có fashion".
Tháng 11/1988, tấm bìa đầu tiên dưới thời Anna, chụp bởi Peter Lindbergh, với Michaela Bercu trong áo haute couture Christian Lacroix kết hợp quần jeans, đã phá bỏ quy tắc bìa Vogue truyền thống (chụp cận mặt, trang trọng). Nó khởi đầu xu hướng “high-low fashion”, làm mờ ranh giới giữa thời trang cao cấp và đời thường, mở ra một kỷ nguyên mới cho thời trang hiện đại.
Tháng 8/1989 – Madonna trong bodysuit Jean Paul Gaultier, chụp bởi Herb Ritts, tấm bìa này đánh dấu lần đầu một ngôi sao nhạc pop lên bìa Vogue. Nó đưa thời trang đến gần hơn với công chúng, biến Vogue thành một phần không thể thiếu của văn hóa đại chúng. Madonna cũng là Celebrities đầu tiên phá bỏ ranh giới trở thành định nghĩa biểu tượng cho cả thời trang âm nhạc, bà cũng là ngôi sao hoàn thành Big 4 Vogue sớm nhất. Mở đường cho những "nhỏ em" sau này như Beyonce, Lady Gaga, Rihanna, Adele...
Tháng 1/1990 và 9/2023 – Tấm bìa với Christy Turlington, Linda Evangelista, Naomi Campbell, Cindy Crawford và siêu mẫu quá cố Tatjana Patitz đã là những cái tên đầu tiên được Anna tôn vinh ở danh xưng Siêu mẫu mở ra một thời kỳ huy hoàng nhất của làng mẫu và 33 năm sau Big 4 tiếp tục được tái hợp trên bìa tháng 9/2023.
Tháng 4/1992 – Tấm bìa quy tụ 10 top model hàng đầu lúc đó như Naomi Campbell, Cindy Crawford, Linda Evangelista, Claudia Schiffer... được chụp bởi Patrick Demarchelier, không chỉ kỷ niệm 100 năm Vogue mà còn củng cố vị thế tạp chí như biểu tượng thời trang toàn cầu.
Tháng 6/1992 - Tuy không được đánh giá cao từ đầu nhưng Claudia Schiffer đã nhanh chóng đuổi kịp các chị và lọt vào tầm mắt của Anna. Minh chứng là chỉ trong năm 1992, người đẹp Đức đã 4 lần lên bìa Vogue US, kỷ lục vô tiền khoáng hậu chưa model nào có thể phá được. Được coi là ngoại lệ duy nhất mà Anna Wintour dành riêng cho Claudia, giúp cô nhanh chóng bước vào ngôi đền danh giá mang tên Big 6 huyền thoại.
Tháng 11/1999 – Chụp bởi Annie Leibovitz, tấm bìa với Gisele được đánh dấu sự nổi lên của một siêu mẫu mới hay giới mộ điệu vẫn hay gọi là "siêu mẫu cuối cùng", nhận sự chuyển giao từ các chị đại mở đường cho thế hệ người mẫu tiếp theo của thập niên 2000.
Tháng 10/2002 - Tấm bìa với Christy Turlington đã giúp bộ mộ Yoga vượt trên một môn thể thao thông thường trở nên nổi tiếng toàn cầu.
Tháng 9/2003 - Nicole Kidman đang ở độ lộng lẫy nhất của sự nghiệp và nhan sắc. Ngoài ra, cô còn là một trong những người bạn thân nhất của Anna, trong năm này cô còn được vinh danh ở hạng mục "Fashion Icon" tại CFDA do chính Anna sáng lập. Mở màn cho những cái tên sau này như Beyonce, Jennifer Lopez, Lady Gaga, Rihanna, Zendaya... cũng được vinh danh ở hạng mục tương tự.
Tháng 9/2004 – được chụp bởi Steven Meisel, với Daria Werbowy, Natalia Vodianova, Gisele Bündchen, Karolina Kurkova, Gemma Ward, Karen Elson... ghi dấu ấn như những người mẫu phủ sóng thập niên 2000.
Tháng 5/2007 – Thế hệ người mẫu mới như Doutzen Kroes, Agyness Deyn và Coco Rocha... chụp bởi Steven Meisel, cho thấy khả năng phát hiện tài năng thần sầu của Anna.
Tháng 11/2020 - Là tấm bìa đơn hiếm hoi của siêu mẫu Naomi Campbell sau rất nhiều năm trong thiết kế haute couture của nhà mốt Dior tạo nên hiệu ứng vô cùng lớn trên mạng xã hội.
Tháng 9/2021 – Thời trang hậu đại dịch với các người mẫu như Bella Hadid, Kaia Gerber, Precious Lee... được chụp bởi Ethan James Green, tấm bìa này phản ánh sự phục hồi của thời trang sau COVID-19, nhấn mạnh tính đa dạng, bền vững và mở ra kỷ nguyên mới cho thời trang cao cấp.
Tháng 10/2023 - Minh tinh Angelina Jolie trở lại bìa Vogue US sau rất nhiều năm với hình ảnh đầy cá tính và mạnh mẽ, đánh dấu một thời kỳ độc lập hoạt động trong nghệ thuật khi ra mắt thương hiệu thời trang đầu tay. Đây cũng chính là cách Anna ủng hộ phụ nữ mạnh mẽ vượt qua nổi đau hôn nhân và bước tiếp.
Sức ảnh hưởng đến văn hoá đại chúng
Anna Wintour không chỉ định hình thời trang mà còn biến Vogue thành một hiện tượng văn hóa đại chúng, nơi thời trang giao thoa với âm nhạc, điện ảnh, chính trị và xã hội. Bà tiên phong trong việc đưa các ngôi sao văn hóa đại chúng lên bìa, như Madonna (tháng 8/1989), mở đường cho các nhân vật như Beyoncé (tháng 9/2018, chụp bởi Tyler Mitchell – nhiếp ảnh gia da màu trẻ nhất trong lịch sử Vogue). Tấm bìa Beyoncé không chỉ tôn vinh một biểu tượng âm nhạc mà còn khơi mào các cuộc thảo luận về sự đa dạng, đưa tiếng nói của cộng đồng thiểu số vào dòng chảy chính.
Một trong những khoảnh khắc nổi tiếng và viral nhất sự nghiệp của Anna Wintour.
Bà cũng đưa các nhân vật ngoài ngành thời trang lên bìa, như Hillary Clinton (tháng 12/1998, trong váy Oscar de la Renta) và Michelle Obama (tháng 3/2009, trong thiết kế Jason Wu), biến Vogue thành nền tảng giao thoa giữa thời trang và quyền lực chính trị. Những tấm bìa này không chỉ tôn vinh nữ quyền mà còn khiến thời trang trở thành phương tiện truyền tải thông điệp xã hội, từ bình đẳng giới đến đa dạng văn hóa.
Anna còn định hình văn hóa đại chúng qua việc đưa Vogue vào kỷ nguyên số. Với Vogue.com (ra mắt 2009) và series Vogue’s 73 Questions (hơn 100 triệu lượt xem trên YouTube), bà đã biến thời trang thành nội dung dễ tiếp cận với thế hệ Millennials và Gen Z. Ví dụ, video 73 Questions với Taylor Swift (tháng 5/2019) không chỉ thu hút hàng triệu khán giả mà còn biến Vogue thành một thương hiệu truyền thông đa nền tảng, từ tạp chí giấy đến mạng xã hội như Instagram và TikTok. Tấm bìa tháng 4/2014 với Kim Kardashian và Kanye West công nhận sức ảnh hưởng của các ngôi sao truyền thông xã hội, định hình lại khái niệm về “biểu tượng thời trang” trong kỷ nguyên số.
Những xu hướng mà Anna khởi xướng, như phong cách grunge của Kate Moss (tháng 7/1995), đã lan tỏa từ Vogue ra văn hóa đại chúng, ảnh hưởng đến thời trang đường phố và cách giới trẻ toàn cầu ăn mặc. Tấm bìa tháng 5/2020, với hình ảnh một bông hồng từ kho lưu trữ của Irving Penn, kèm bài viết tôn vinh nhân viên y tế trong đại dịch, đã chứng minh rằng thời trang có thể mang ý nghĩa sâu sắc, vượt xa quần áo để phản ánh những vấn đề xã hội cấp bách.
Định Hình Thế Giới Thời Trang Hiện Đại
Anna Wintour đã biến thời trang thành một ngành công nghiệp toàn cầu, năng động và bao quát. Bà tiên phong trong việc kết hợp thời trang cao cấp với văn hóa đại chúng, như tấm bìa tháng 4/2014 với Kim Kardashian, giúp các influencer trở thành một phần của ngành thời trang. Bà cũng thúc đẩy tính đa dạng và bền vững, như tấm bìa tháng 9/2021 với các người mẫu plus size như Precious Lee, phản ánh sự chuyển mình của ngành thời trang sau đại dịch.
Thông qua CFDA/Vogue Fashion Fund (ra mắt 2003), Anna đã nâng đỡ các nhà thiết kế trẻ, đảm bảo sự đổi mới của ngành thời trang. Ví dụ, Proenza Schouler (thắng giải 2004) và Christopher John Rogers (thắng giải 2019) đã trở thành những tên tuổi toàn cầu nhờ tài trợ và sự xuất hiện trên Vogue. Bà cũng hỗ trợ các nhà thiết kế huyền thoại như Oscar de la Renta, với các thiết kế xuất hiện trên bìa Hillary Clinton (1998), hay Karl Lagerfeld, người đã hồi sinh Chanel dưới sự ủng hộ của Anna qua các bìa và bài viết.
Anna còn định hình thời trang hiện đại qua việc đưa các vấn đề xã hội vào trung tâm. Tấm bìa tháng 2/2017 với Ashley Graham và Kendall Jenner đã thúc đẩy sự đa dạng hình thể, dù Anna từng bị chỉ trích vì chậm thay đổi. Bà cũng tiên phong trong việc thảo luận về thời trang bền vững, như các bài viết trên Vogue về thời trang thân thiện với môi trường, định hướng ngành thời trang hướng tới trách nhiệm xã hội.
Met Gala: Từ năm 1995, Anna biến Met Gala thành sự kiện thời trang lớn nhất thế giới, quyên góp hơn 223 triệu USD cho Viện Trang phục của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (tính đến 2023). Met Gala 2019 (“Camp: Notes on Fashion”), với Lady Gaga trong bốn bộ trang phục Brandon Maxwell và Billy Porter trong bộ cánh vàng The Blonds, đã biến thảm đỏ thành sân khấu của sự sáng tạo, ảnh hưởng đến xu hướng từ avant-garde đến thời trang đường phố.
Vogue Fashion Show: Các sự kiện như 7th on Sale (1990, quyên góp cho nghiên cứu AIDS) và Vogue World kết hợp thời trang, âm nhạc và nghệ thuật, thu hút hàng triệu khán giả toàn cầu, khẳng định vai trò của Vogue như một nhà tiên phong văn hóa.
Những Con Số Biết Nói
37 năm là số Thời gian Anna giữ vai trò tổng biên tập Vogue (1988–2025).
223 triệu USD là số tiền Met Gala quyên góp (tính đến 2023).
1,200 trang trong số báo tháng 9/2007, ghi lại trong The September Issue, là số báo dày nhất lịch sử Vogue thời điểm đó.
100 triệu lượt xem series Vogue’s 73 Questions trên YouTube và rất nhiều những con số biết nói khác...
Ngoài Nicole Kidman, Sarah Jessica Parker cũng rất được lòng Anna, khi nữ minh tinh luôn là tâm điểm mỗi khi xuất hiện tại Met Gala hay series Sex And The City trở thành hiện tượng toàn cầu một phần là nhờ công rất lớn khi được lăn sê trên Vogue. Thậm chí nhiều năm trước Sarah được mời vào vị trí thay thế cho Anna, nhưng nữ diễn viên đã thẳng thừng từ chối "Tôi và không ai khác có thể làm tốt hơn bà ấy".
Ngoài ra, tin đồn về mối quan hệ thân thiết giữa Anna và tay vợt Roger Federer lan truyền khi anh thường xuyên xuất hiện tại Met Gala, như năm 2023 trong bộ tuxedo Gucci với logo rắn nổi bật. Dù không có bằng chứng rõ ràng, sự ưu ái của Anna dành cho Federer đã thêm phần bí ẩn cho hình ảnh của bà. Thậm chí bà cũng thường xuyên đến ủng hộ các trận đấu của tay vợt huyền thoại nhưng truyền thông chưa khi nào dám công khai hết sự thật.
Vẫn có những kẻ chống đối
Anna không khoan nhượng với những ai thách thức bà điển hình như siêu mẫu Naomi Campbell, dù là siêu mẫu được yêu thích, Naomi từng bị giảm xuất hiện trên Vogue vào đầu thập niên 2000 do mâu thuẫn cá nhân, trước khi được hòa giải. Đó là lý do phải mất gần 30 năm cô mới có tấm bìa đơn tiếp theo trên Vogue Mỹ. Nhưng đầu năm 2025 cô lại tiếp tục vạ miệng khi đụng chạm người đàn bà băng giá và cái giá phải trả là không được xuất hiện tại Met Gala 2025.
Vào thập niên 1990, khi YSL từ chối cung cấp trang phục, Anna hạn chế đưa thương hiệu này lên Vogue, ảnh hưởng đến sự hiện diện của YSL tại Mỹ suốt nhiều năm. Nhưng một điều hiển nhiên ai cũng biết là Yves là kỳ phùng địch thủ của Karl Lagerfeld mà Karl là bạn rất thân của Anna nên việc YSL bị Vogue lạnh nhạt cũng là điều dễ hiểu.
Năm 2003, Anna được cho là đã gọi Armani là “nhà thiết kế hết thời” trong một bài phỏng vấn và hiển nhiên Vogue giảm quảng bá Armani trong suốt thời gian dài, khiến thương hiệu mất đi sự chú ý tại Mỹ trong vài năm, trước khi hai bên hòa giải.
The Devil Wears Prada (2006), dựa trên tiểu thuyết của Lauren Weisberger – cựu trợ lý của Anna – đã khắc họa bà qua nhân vật Miranda Priestly, một tổng biên tập quyền lực với những câu thoại sắc bén như “Đó là tất cả?”. Bộ phim, thu về hơn 326 triệu USD toàn cầu, không chỉ biến Anna thành biểu tượng văn hóa mà còn đưa thương hiệu Prada lên tầm cao mới. Anna xuất hiện tại buổi công chiếu trong một chiếc váy Prada, biến tranh cãi thành cơ hội quảng bá. Các thiết kế như chiếc váy đỏ của Meryl Streep trong phim đã khiến Prada trở thành biểu tượng của sự xa xỉ và quyền lực, lan tỏa trong văn hóa đại chúng. Bộ phim cũng được cho là đang chuẩn bị bấm máy phần hai.
Thị Trưởng Ngầm của New York
Anna còn được gọi là “thị trưởng ngầm của New York” nhờ mạng lưới quan hệ rộng lớn với các chính trị gia, ngôi sao và nhà thiết kế. Met Gala là minh chứng rõ nhất khi bà là người quyết định danh sách khách mời, vị trí ngồi và trang phục, biến sự kiện thành sân khấu quyền lực của thành phố. Các hoạt động từ thiện của bà, như quyên góp cho nghiên cứu AIDS và nghệ thuật, càng củng cố vị thế trong xã hội New York.
Ở tuổi 75, với mái tóc bob và kính râm không đổi, Anna Wintour vẫn là biểu tượng bất biến. Di sản của bà không chỉ là những con số hay trang bìa lộng lẫy, mà là cách bà biến thời trang thành một hiện tượng văn hóa đại chúng, khiến New York trở thành kinh đô thời trang thế giới và Vogue là tiếng nói dẫn đầu. Sẽ có người tiếp nối vị trí Tổng biên tập Vogue của bà nhưng chắc chắn kỷ nguyên thời trang mà người phụ nữ ấy tạo ra đã đi vào làng mốt như một trong nhưng trang sử chói lọi nhất, nằm mãi trong tâm trí giới mộ điệu.
Helios
Photos: Vogue, Time, WSJ...